Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

võ đạo thi hoàng đai I


Trình độ Huyền đai Thi lên:  Hoàng đai đệ I cấp

I. Các câu hỏi về tình cảm Vovinam Việt Võ Ðạo

Hỏi 1: Quan niệm của môn sinh vovinam Việt Võ Ðạo về tu thân ra sao?
Ðáp: Tu thân là cách mạng tâm thân, là thường xuyên và liên tục:
Hàm dưỡng ý chí
Mở mang kiến thức
Trau dồi đức hạnh
Rèn luyện tài năng
Hỏi 2: Phải tề gia như thế nào?
Ðáp: Tổ chức và đặt đúng mối tương quan đối xử, đải ngộ, thông tình đạt lý giữa những phần tử trong gia đình với nhau để gia đình được ổn định hầu có thời giờ và đầu óc để thực hiện lý tưởng của mình đã vạch ra.  Gia đình theo nghĩa hiện đại gồm 3 thế hệ:  Ông bà, vợ chồng, con cái.  Có gia đình cũng sống chung với nhau cả năm đời.  Phải tổ chức sắp đặt sao cho những người liên hệ đó đừng làm trở ngại công việc của ta.
Hỏi 3: Gia đình là gì ? Tình cảm gia đình của môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo ra sao?
Ðáp:  Gia là nhà, đình là sân.
Mới đầu gia đình được hiểu theo nghĩa bất động sản, một đơn vị gia cư gồm có nhà và sân. Sau được hiểu rộng theo nghĩa tinh thần:  đơn vị căn bản của tổ chức xã hội, gồm hai vợ chồng và con cái (tiểu gia đình).  Bởi vậy gia đình là nơi con người sinh trưởng.  Nơi thắm đượm tình bao dung thương mến, và là nền tảng của xã hội.
Tình cảm gia đình đối với người Ðông Phương rất hệ trọng, vì truyền thống tổ chức xã hội Việt Nam là gia đình, chớ không phải là cá nhân như xã hội Tây Phương. Tình cảm gia đình của môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo có thể tóm tắt trong bốn điểm thiết yếu:
Quan tâm, giúp đỡ, săn sóc toàn thể gia đình
Kính trên
Nhường dưới
Yêu mến người ngang hàng
Hỏi 4: Kính mến người trên có phải chỉ cần cư sử lễ độ, vâng lời dạy bảo là phải đạo rồi không?
Ðáp: Chưa đủ, còn phải biết cách thỉnh đạt ý kiến của mình lên người trên một cách tế nhị với mục đích sửa đổi những lổi lầm nếu có, để góp công xây dựng gia đình mỗi ngày một phồn thịnh, hoàn thiện hơn lên trong không khí đầm ấm yêu thương.
Hỏi 5: Hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, đã tròn chử hiếu chưa?
Ðáp: Hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chỉ là mở đầu đạo hiếu.  Muốn tròn chử hiếu, ngoài sự phụng dưỡng còn phải làm cho cha mẹ vinh hiển về công việc làm của mình (gây sự nghiệp, bảo vệ và phát huy thanh danh gia tộc).
Hỏi 6: Phải nhường dưới ra sao ?  Có phải chỉ cần chiều chuộng che chở và gánh chịu những lổi lầm của họ là đủ thuận thảo rồi chăng?
Ðáp: Nhường dưới không phải chỉ là nhường nhịn người dưới một cách thụ động, mà là nhân nhượng, bao dung người dưới với mục đích giáo dục cảm hoá, khích lệ và hướng dẫn họ mỗi ngày một thêm tốt bỏ xấu, có phẩm cách hơn để sống với một đời sống xứng đáng hơn.
Hỏi 7: Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo suy nghĩ sao về tình nghĩa sư đệ hôm nay?
Ðáp: Nói chung tình nghĩa sư đệ hôm nay đã suy giảm đi rất nhiều, vì:
Ảnh hưởng của tư tưởng tự do dân chủ tiến bộ.
Ảnh hưởng của các vấn đề xã hội như chiến tranh, sự tiến bộ của kỹ thuật và khoa học, khiến cho con người muốn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ, coi trọng trí tuệ, nhẹ niềm tin và giá trị tinh thần.
Hệ thống tổ chức nền giáo dục đã đổi mới, ông thầy ngày nay chỉ là một chuyên viên.  Do đó, về đức độ tuổi tác, kinh nghiệm sống chưa hẳn đã vượt trên người học mình. Một học sinh từ tiểu học lên đến đại học thường qua hàng chục ông thầy.  Tình cảm sư đệ làm sao có thể sâu đậm được.
Ngày xưa, một thầy đồ có khi dạy học trò từ lúc còn để chỏm cho đến lúc thành ông Nghè, ông Cống, giáo huấn cả về nếp sống, cách cư sử ở đời.
Hỏi 8: Muốn tình sư đệ được thiêng liêng thân thiết, thầy trò phải đối xử với nhau ra sao?
Ðáp: Tình sư đệ ngày nay có nồng độ cao hay thấp tùy theo tổ chức giáo dục, tùy theo tư cách cá nhân và cách cư xử giữa thầy trò.
Muốn tình sư đệ thấm thiết, thầy trò phải:
Trước hết, thầy phải xứng đáng là thầy (có tác phong, tư cách, có tinh thần phục vụ cao cả)
Kế đến thầy phải thành thực, tận tâm dạy bảo, thương mến trò, coi trò như gan ruột tay chân.
Ðổi lại, trò phải trung thực, tôn kính, biết ơn và làm vinh danh thầy bằng cách thực nghiệm những điều đã thụ huấn.
Hỏi 9: Quan niệm về tình bạn của môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo ra sao? Có mấy loại bạn? Hảy giải thích đại cương?
Ðáp: Môn sinh vovinam Việt Võ Ðạo quan niệm rằng:  làm người ai cũng có bạn, không có không được.  Bạn là yếu tố mật thiết và quan trọng nối liền đời sống chúng ta với sống xã hội.  Làm sao chúng ta có thể sống cô độc được. Chúng ta cần phải có bạn để làm việc, để chia vui, xẻ buồn.  Tuy nhiên, môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo luôn luôn phải tự cảnh giác để tránh những trường hợp lầm người gây hại lớn cho đời sống công và tư của mình.
Có nhiều loại bạn đại để như:
Bạn tâm giao: Cùng tâm hồn, cùng khuynh hướng, đồng cam, cộng khổ.
Bạn đồng chí: Cùng chí hướng, cùng tư tưởng đấu tranh, cùng theo một mục đích.
Bạn đồng đạo: Cùng tôn giáo hoặc cùng nếp sống, cùng quan niệm xử thế, cùng ý thức hệ tinh thần.
Bạn đồng môn: Cùng học một thầy, một mái trường hay cùng một môn phái.
Bạn đồng nghiệp: Cùng làm một nghề như nhau
Bạn đồng sự: Cùng làm một việc với nhau.
Hỏi 10: Tình bạn nào cao quý nhất trong tất cả các loại bạn?
Ðáp: Bạn tâm giao là bạn cao quý nhất trong tất cả các loại bạn.  Thông cảm và thấu hiểu toàn diện về nhau, coi bạn là chính mình.
Hỏi 11: Muốn có bạn tâm giao, phải cư xử với bạn ra sao?
Ðáp: Muốn có bạn tâm giao, ta phải chí tình, thủy chung, đôn hậu, hiểu rõ bạn về cả tài năng, đức độ, tình cảm và chí hướng; từ ưu điểm đến khuyết điểm để khuyến khích, cổ võ bạn trên đường tiến thủ, tiếp tay bạn khi bạn gặp khó khăn, can gián bạn khi sa vào lỗi lầm.
Hỏi 12: Hãy kể một vài giai thoại tiêu biểu về tình bạn tâm giao ?
Ðáp: Ta có thể chọn một vài giai thoại tiêu biểu như:
Tình bạn của:   
Nguyễn Khuyến - Dương Khuê
Lưu Bình - Dương Lễ
Quản Trọng - Bảo Thúc Nha
Kiến Thúc - Bá Lý Hề 
Nhưng không bao giờ là Bá Nha - Tử Kỳ vì đó là bạn tri âm.
Hoặc như Lưu - Quan - Trương chỉ là những người bạn đồng chí.
Hỏi 13: Thế nào là bạn đồng môn, đồng đạo ? Phải cư xử với nhau ra sao ?       
Ðáp: Bạn đồng môn là những người cùng theo một môn phái, cùng chung một mái trường, song chưa có sự cố kết về tâm hồn; bạn đồng đạo thì ngoài yếu tố cùng môn phái, cùng mái trường còn phải chung một quan niệm xử thế, chung một nếp sống, cùng một tư tưởng, triết thuyết, cùng một ý thức hệ tinh thần.
Bạn đồng đạo vừa có tình anh em ruột thịt, vừa có tình bạn đồng chí.  Do đó, phải luôn luôn tôn trọng cá tính của nhau, với thái độ bao dung, nâng đỡ, che chở và khuyến khích lẫn nhau (khi không còn chung chí hướng thì đường ai nấy đi, chớ không chống đối, thanh toán lẫn nhau)
Hỏi 14: Khi thấy bạn đồng môn đánh nhau bị thua, ta tới can thiệp mới biết bạn trái, có nên bênh bạn đánh người hoặc để Người đánh bạn cho chừa nét xấu đi chăng?
Ðáp: trước hết, phải can hai người , nhã nhặn, chững chạc xin lỗi người dùm bạn; sau đó, giải thích cho bạn thấy lỗi lầm mà sửa đổi.  Nếu bạn còn ngoan cố không chịu lỗi , phải  trình lên người trên để sửa trị.  Trường hợp đối phương thấy họ phải và đã thắng thế nên bất chấp lời xin lỗi và can ngăn của mình cứ xông vào đánh tiếp, thì bắt buộc mình phải can thiệp trong tinh thần tự vệ cứu bạn
Hỏi 15: Thế nào là kẻ thù?  Trường hợp nào có thể tha thứ kẻ thù ?
Ðáp: Kẻ thù là người đối nghịch với ta hoặc về tình cảm hay hành động, làm thiệt hại danh dự hay quyền lợi của ta.  Tuy nhiên, ta có thể tha thứ cho kẻ thù khi họ đã hối lỗi hoặc thất thế, hoặc có nghĩa khí, đởm lược (có thể đưa ví  dụ Hàn Tín luồn khố anh hàng thịt.  Ngũ Tử Tư và Thân Bao Tự, gia Cát Lượng - Lỗ Túc - Chu Du; Dương Hổ (tướng Thục) - Lục Kháng (tướng Ngô)
Hỏi 16: Khi bắt buộc phải đối phó với kẻ thù, ta phải có thái độ và cách đối xử ra sao ?
Ðáp: Phải biểu lộ tinh thần thượng võ của người môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo.  Hào hiệp, khoan hoà, xét lại cường độ của thù hận mà trừng trị tượng trưng, rồi tha thứ, hoà giải để cảm hoá họ.
Hỏi 17: Ðộng cơ nào thúc đẩy người  trong một nước phải thương yêu, bao bọc, giúp đỡ lẫn nhau?
Ðáp: Ðó là tình nghĩa đồng bào, một tình cảm tự nhiên phát sinh từ:
Ý thức quốc gia dân tộc.
Ý thức liên đới cộng đồng tinh thần và vật chất.
Tình yêu quê hương đất nước.
Hỏi 18: Tổ quốc là gì ? Hai tiếng tổ quốc đã gợi lên trong lòng ta những gì ?
Ðáp: Tổ quốc là nước Tổ, bao gồm quốc gia - lịch sữ - dân tộc và di sản tinh thần lưu truyền từ thời lập quốc.
Danh từ Tổ quốc đã gợi lên trong tâm hồn ta:
Những tình cảm sâu đậm về nguồn gốc của nòi giống.
Những hình ảnh thiêng liêng cao quý của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Trách nhiệm bảo vệ và làm phong phú di sản tiền nhân.
Hỏi 19:  Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo phải làm gì để nêu cao danh dự tổ quốc?
Ðáp:  Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo phải cố gắng học hỏi để trở thành những công dân ưu tú, tiến bộ, tận tụy làm việc để phục hưng và phát triển xứ sở, bảo vệ hữu hiệu những truyền thống hào hùng, cao đẹp của tiền nhân.
Hỏi 20: Câu “Tứ Hải giai huynh đệ” gợi  cho ta ý niệm gì ?
Ðáp: Câu “Tứ Hải giai huynh đệ” gợi cho ta ý niệm:
Tình nhân loại:  Không kỳ thị địa phương, chủng tộc, tôn giáo
Tình cảm thâm hậu của vấn đề nhân sinh
Ðức tính cao đẹp: liên tài, quảng giao, bao dung, độ lượng và hào hiệp.
Hỏi 21: Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo quan niệm ra sao về tình nhân loại ?
Ðáp: Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo phải quan niệm rằng:
Tình nhân loại là cứu cánh tốt đẹp nhất của con người đối  với tha nhân, và luôn luôn coi mọi người đều bình đẳng trong mọi trách nhiệm và quyền lợi.  Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo yêu nước, giữ độc lập cho quốc gia, nhưng không quá khích, không suy tôn nòi giống mình là thượng đẳng mà coi rẻ, chà đạp nòi giống khác.
Phục vụ dân tộc và đồng bào là khởi điểm của tinh thần phục vụ nhân loại.  Chấp nhận mọi quan niệm văn hoá - chính trị - xã hội v.v.. giữa quốc gia, trên căn bản bình đẳng và tương thân tương trợ.  Hơn thế nữa, người môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo phải đấu tranh cho hoà bình quốc tế, đem lại niềm an vui công chánh cho toàn thể Nhân loại.  
II. Các câu hỏi về quan niệm tình yêu và tâm lý nam nữ

 Hỏi 22: Quan niệm về tình yêu của môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo ra sao?
Ðáp: Quan niệm về tình yêu của môn sinh Vovinam Việt võ Ðạo là quan niệm điều hợp các yếu tố về tình cảm và lý trí để sống theo Nhiên Luật và Nhân luật với chừng mực, thanh nhã và thắm thiết.
Hỏi 23: Hãy bình giảng về hai quan niệm yêu dưới đây:
A/Yêu là yêu đủ rồi không suy luận, đắn đo gì nữa
B/Yêu là gắn bó, ràng buộc đời sống của người nam và người nữ vào với nhau, nên phải thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng.
Ðáp: Quan niệm thứ nhất tuy mang tính chất thuần túy, thơ mộng nhưng nhận chịu ảnh hưởng nhiều ở triết thuyết hiện sinh, hiện đang giao động mãnh liệt vào tâm lý lớp thanh niên nam nữ cuồng loạn, không biết tới ngày mai.
Quan niệm thứ hai mang sắc thái cẩn trọng, sáng suốt, nhưng cũng nhận chịu ảnh hưởng nhiều ở các luyến ái quan: Nho - lão - Phật - Thiên Chúa Giáo, có thể trở nên khô khan, mực thước.
Môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo dung hoà cả hai quan niệm này bằng một quan niệm tình yêu tổng hợp:  Chấp nhận những phẩm chất đặc biệt của tình yêu thuần túy thơ mộng, nhưng luôn hướng về tương lai với ý hướng xây dựng, cẩn trọng, suy luận (Yếu tố hợp nhãn là yếu tố dẫn khởi.  Yếu tố kết hợp mới là yếu tố nuôi dưỡng và triển khai tình yêu)
Hỏi 24: Người ta thường phân loại tình yêu ra sao ?
Ðáp: Người ta thường phân loại tình yêu ra làm 3 loại:
Tình yêu dâng hiến (Amour Oblatif)
Tình yêu chinh phục (Amour Captatif)
Tình yêu thông cảm ( amour de Communion)
Hỏi 25: Thế nào là tình yêu dâng hiến ? Tình yêu dâng hiến bị chi phối bởi tình cảm hay lý trí?
Ðáp: Tình yêu dâng hiến là loại tình yêu lãng mạn, mù quáng, buông thả, hy sinh tất cả cho người mình yêu, vì coi người mình yêu là thần tượng, không suy nghĩ tới hậu qủa, không tìm hiểu người mình yêu có thành thực yêu thương mình không.  Tình yêu dâng hiến hoàn toàn bị chi phối bởi tình cảm.
Hỏi 26: Thế nào là tình yêu chinh phục?  Hảy kể danh tính một vài nhân vật tiêu biểu cho loại Tình yêu chinh phục.
Ðáp: Tình yêu chinh phục là loại tình yêu sử dụng lý trí gần như tuyệt đối bằng vẻ hào hoa, danh vọng hoặc bằng tiền tài, với mục đích chiếm đoạt đối tượng yêu của mình, hoàn toàn ngược lại với tình yêu dâng hiến.  Vài nhân vật tiêu biểu cho loại tình yêu này là: Sở Khanh - Casanova v.v..
Hỏi 27: Thế nào là tình yêu thông cảm? Tình yêu thông cảm vị tha hay vị kỷ?
Ðáp: Tình yêu thông cảm là tình yêu trầm tỉnh, sáng suốt, có tương quan tình cảm và lý trí thắm thiết giữa người nam và người nữ, để cùng hướng về tương lai, chân thành bồi dưỡng và gây dựng cho nhau.  Tình yêu thông cảm rất cao thượng và bình đẳng giữa người và ta, không vị tha mà cũng không vị kỹ (yêu người và được người yêu lại)
Hỏi 28: Muốn xây dựng tình yêu thông cảm phải quan tâm tới những gì?
Ðáp: Phải quan tâm tới những điểm:
Thực tế tìm hiểu nhau và giải quyết những khúc mắc về tinh thần và vật chất:  Có thể tha thứ và dung hợp những tính nết dị biệt của nhau không?  Làm thế nào có phương tiện tiến tới hôn nhân?  Sau khi đã nên đôi bạn phải làm gì để sống?
Tương kính, tương ái (hình thức thì theo thời biến đổi, nhưng tinh thần thì phải triệt để giữ gìn, trau chuốt, có thể mới không khinh khi nhau và tránh khỏi tan vở)
Trình độ văn hoá của đôi bên nam nữ.
Nếp sống và hoài bảo
Tuổi tác
Sức khoẻ
Ðịa vị xã hội của đôi bên (nam-nữ) gia đình
Tín ngưỡng
Lập trường chính trị
Dị biệt chủng tộc
Hỏi 29: Tình yêu không muốn đi tới hôn nhân có bền vững không? Hãy giải thích?
Ðáp: Không. Vì tình yêu là chặng đường chuyển tiếp để đi tới một mục đích nào đó, chớ không phải tình yêu là mục đích cuối cùng.  Cũng ví như đi trên con đường (tình yêu) là để tiến tới một sở cứ nào đó (hôn nhân) nếu không tới sở cứ đã định thì phải rẽ đường khác (tức là tan vỡ).  Vậy hôn nhân là một kết hợp hoàn hảo nhất để nuôi dưỡng và triển khai, thăng hoa tình yêu.
Hỏi 30: Tự tử vì yêu không toại nguyện, có phải là hành động can trường không?
Ðáp: Không, vì đó chỉ chứng tỏ một trạng thái tâm hồn bện hoạn nhu nhược, thụ động, hèn nhát, không dám đương đầu với nghịch cảnh, tranh đấu với hiện tại để biến đổi nghịch cảnh, hầu đạt ước vọng.
Hỏi 31: Hãy giải thích hai trường hợp:
A/Yêu nhau (có ăn nằm như vợ chồng) nhưng không muốn tiến tới hôn nhân.
B/ Hôn nhân nhưng không yêu nhau.
Nếu bắt buộc lựa một trong hai, môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo lựa trường hợp nào? nêu lý do?
Ðáp: Yêu thương ăn nằm với nhau mà không tính tới chuyện hôn nhân chỉ là chuyện cẩu hợp, lừa dối nhau để Thoả mãn dục vọng, trốn trách nhiệm, tình yêu đó chắc chắn sẽ tan vỡ, cả hai sẽ khinh lẫn nhau và xã hội sẽ sụp đổ vì đối phong bại tục.
Ngược lại, hôn nhân mà không yêu nhau thì chỉ lam khổ lẫn nhau với những dằn vật, xung khắc, con cái làm sao yên vui học hành để trở thành những bậc hiền tài cho quốc gia dân tộc?
Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc, ta nên chọn giải pháp thứ hai vì thực tế đã chứng minh: Ngày xưa, ông bà, cha mẹ ta lấy nhau phần đông có bao giờ tiếp xúc với nhau đâu? (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy). Thế mà gia đình vẫn có hạnh phúc, con cái vẫn nên người, ít có sự lủng củng ly dị nhau.  Bây giờ trai gái biết nhau trước rồi mới tiến tới hôn nhân vẫn bỏ nhau rất nhiều.
Hỏi 32: Yêu nhau nhưng không hiểu tâm lý nhau thì tình yêu đó có thể bền vững và có hạnh phúc không?  Hãy kể đại cương về những điểm khác biệt tâm lý giữa người nam và người nữ.
Ðáp: Không. Không thể nào có hạnh phúc được. Vì giữa người nam và người nữ có những điểm tâm lý phức tạp, mâu thuẩn; đại cương những điểm đó là:
Nam
Nữ
Lý trí
Tình cảm
Cương quyết
Do dự
Chiếm đoạt
Quên mình
Mạnh dạn
Mềm mỏng
Tổng quát
Tiểu tiết
Rộng rải
Hẹp hòi
Nhìn xa
Biết gần
Hỏi 33: Muốn người bạn lòng chiều theo ý  ta, ta phải làm thế nào ?
Ðáp: Ta phải chiều theo ý họ trước đã, nhưng phải chiều theo hướng: Hướng dẫn và xây dựng, chớ không thụ động, chiều bất cứ một vật gì dù lầm lẫn, xấu xa.
Hỏi 34: Tình yêu đến với người nam ưu tiên từ đâu?  Ðến với người nữ ưu tiên từ đâu?  Muốn tránh sự đổ vỡ và nguy hại cho bản thân cũng như cho người yêu do luật ưu tiên gây ra, người nam và người nữ đối xử với nhau ra sao ?
Ðáp: Tình yêu đến với người nam ưu tiên từ sắc đẹp và sự hấp dẫn của thể xác (tức là vóc dáng bên ngoài của người nữ, đã làm cho người nam chú ý đến trước nhất, sau đó mới nhận xét đến tính nết, hạnh kiểm, trình độ học vấn, địa vị xã hội v.v..)
Tình yêu đến với người nữ ưu tiên từ danh vọng, địa vị, tình cảm (tức là cử chỉ, lời nói dịu dàng, âu yếm chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đến nàng..)
Muốn tránh sự đổ vỡ và nguy hiểm cho bản thân và cho người yêu do luật ưu tiên gây ra, người nam phải săn sóc đến tình cảm của người bạn lòng bằng cử chỉ và lời nói dịu dàng, âu yếm.  Người nữ tránh những trường hợp tâm sự tay đôi ở nơi vắng vẽ để tránh sự sàm sỡ quá trớn có thể xảy ra làm giảm sự cao dẹp, thanh nhã của tình yêu.
Hỏi 35: Khi yêu có phải lúc nào người Nam cũng dành trọn vẹn trái tim cho người bạn lòng như người nữ không?  Trái tim đó thường được phân chia làm mấy ngăn và chứa đựng những gì?
Ðáp: Theo luật phân cách, khi yêu không phải lúc nào người nam cũng dành trọn vẹn trái tim cho người bạn lòng như người nữ.  Vì nhu cầu của đời sống chi phối, trái tim của người nam thường được chia làm bốn ngăn:  Tình yêu - Công việc - Lý tưởng - Giải trí.
Hỏi 36: Thông thường, người nữ thích được người bạn lòng chiều chuộng, tận tụy làm việc để Xây dựng tương lai, hay thích được săn sóc bằng những lời tán tụng, bằng cử chỉ vuốt ve âu yếm?
Hãy suy luận những trường hợp nàng phàn nàn: Chàng chẳng âu yếm nàng vì chàng không hay tán thưởng nàng, dù chàng vẫn chăm lo cho nàng đủ thứ.
Chàng phân trần: Tình yêu chân thành cần gì phải nói, phải khen ngợi rườm rà, việc làm chưa đủ chứng minh sao? Ai đúng - Ai Sai ?
 Ðáp: Thông thường, người nữ thích được người bạn lòng săn sóc bằng những lời tán tụng, và cử chỉ vuốt ve âu yếm song phải chân thành trong ý hướng xây dựng, chớ không hời hợt bằng ngôn từ tán tụng, vuốt ve suông. Trường hợp trên không ai hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai cả, vì tình yêu cần được thể hiện bằng cả hai phần tình cảm và lý trí, nội dung và hình thức đều quan thiết như nhau.  Tình yêu quý trọng ở chân thành song phải được diễn tả bằng ngôn từ và cử chỉ dịu dàng tế nhị.
Hỏi 37: Người nam có thường chú ý đến những chi tiết của sự việc như người nữ không?  Họ chú ý tới những gì ?  Phải xử trí thế nào với người bạn lòng để tránh những hiểu lầm tai hại do luật chi tiết gây ra?
Ðáp: Không.  Người nam ít quan tâm tới những chi tiết của sự việc mà chỉ chú ý tới đại cuộc với nhận xét tổng quát.  Ðể tránh những hiểu lầm tai hại do luật chi tiết gây ra, người nam phải nhẩn nại nghe những mẫu chuyện lặt vặt, biết lưu ý nhắc nhở những kỷ niệm của người yêu, và người nữ cần phải biết thông cảm tới những dự tính lớn lao, xây dựng đại cuộc của người bạn lòng.
Hỏi 38: Trên phương dien xúc cảm, thông thường nhịp độ yêu đương của người nam và người nữ ai bén nhạy hơn?  Tiếng sét ái tình thường xảy ra nơi người nam hay người nữ ? (luật bất đồng cảm).
Hãy suy luận trường hợp: chàng yêu nàng tha thiết, theo đuổi nàng một thời gian,nàng không cự tuyệt nhưng vẫn tỏ ra thơ o lạnh nhạt.  Như thế phải chăng nàng đã không để Ý tới tình yêu của chàng?
Ðáp: Trên phương diện xúc cảm, thông thường nhịp độ yêu đương của người nam bén nhạy hơn của người nữ, tiếng sét aí tình thường xảy ra nơi người nam...(người nam nhà gia thế, có địa vị, có học thức, có thể lấy một người con gái rất nghèo làm vợ, khi hợp nhãn về vóc dáng, hợp ý về tính tình. Nhưng người nữ thì ít khi chịu lấy một người chồng không có tương lai, gia thế, học thức, tiền của kém hơn mặc dầu tướng mạo khôi ngô, tính tình thuần hậu). Trường hợp trên không phải nàng không để ý tới tình cảm của chàng nhưng vì luật bất đồng cảm, cảm xúc của nàng rất chậm, nàng muốn kéo dài sự thử thách để xem chàng có thành thực yêu nàng hay không.  Hơn nữa, vốn bản chất e lệ, thụ động, thêm vào những dè dặt từ giáo dục (gia đình, học đường) và kinh nghiệm (từ thân thích, bằng hữu, chuyện láng giềng, xã hộị..) khiến người con gái giữ bề ngoài lạnh nhạt.
Hỏi 39: Muốn có hạnh phúc trong tình yêu và bảo vệ tình yêu còn mãi mãi, phải xây dựng tình yêu trên mấy nhịp cầu ?
Ðáp: Phải xây dựng tình yêu trên ba nhịp cầu:
Thể xác
Trái tim
Lý tưởng
Vì nói tới tình yêu là nói tới sự kết hợp thể xác, nhưng sự kết hợp về thể xác chỉ có ý nghiã và sự rung động tuyệt dối khi hai người nam và nữ cùng có lòng yêu thương chân thật đối với nhau (sự hoà hợp của trái tim) và lòng yêu thương chân thật ấy chỉ bền vững khi hai người cùng chung một lý tưởng, tức là cùng một hướng nhìn, cùng một quan niệm sống, cách hành xử ở đời.
Hơn nữa, thể xác có ngày mệt mỏi, không ham thích nữa, nếu không có tình yêu thương chân thật ràng buộc, gắn bó dưới sự chỉ hướng của lý tưởng thì tình yêu sẽ tan vỡ và chia lìa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét